Giới thiệu

TIỂU SỬ CỤ PHAN BỘI CHÂU

Phan Bội Châu (Sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 – mất ngày 29 tháng 10 năm 1940) là một nhà cách mạng Việt Nam trong phong trào chống Pháp. Ông đã thành lập phong trào Duy Tân Hội và khởi xướng phong trào Đông Du.
I/ Quê hương, gia đình và thời niên thiếu
     Phan Bội Châu – Tên hiệu là Sào Nam – lúc nhỏ tên là Phan Văn San sinh ngày 29-12-1867 ở quê ngoại là làng Sa Nam nay là xã Nam Diên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đến năm 3 tuổi, nhà dời về quê nội thuộc làng Đan Nhiệm nay là xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, cách làng Sen quê Bác không xa. Xã Nam Diên và Nam Hòa nằm sát bên bờ tả ngạn sông Lam – mạch máu giao thông của Nghệ An.
     Quê hương của Phan Bội Châu là nơi nhân dân có truyền thống cần cù lao động, kiên cường bất khuất đấu tranh chống giặc ngoại xâm, có nhiều di tích lịch sử.
     Nơi đây hơn 1200 năm trước, Mai Hắc Đế đã chiến đấu và hi sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Đường.
     Phía bắc làng Đan Nhiệm có núi Đại Vạc, Đại Huệ cao chót vót. Cách đây 5 thế kỉ, Hồ Quý Ly đã dựng lũy chống quân Minh xâm lược.Ở đây còn có Truông Hến cheo leo. Năm 1789, anh hùng Nguyễn Huệ đã dừng chân tuyển mộ thêm 5 vạn quân trên đường ra Bắc tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh. Phía tây nam có thành Lục Niên nằm trên dãy núi Thiên Nhân điệp trùng, từng là căn cứ chỉ huy của Lê Lợi trong những năm bình Ngô ở thế kỉ XV.
     Ngay trên các cánh đồng và thôn xóm của vùng Sa Nam và vùng Đan Nhiệm này, năm 1874 Trần Tấn và Đặng Như Mai đã dựng cờ “ Bình – Tây “. Tiếp đến là hàng ngàn nghĩa quân tập hợp dưới ngọn cờ Cần Vương của Trần Xuân và Vương Thúc Mậu ở Rú Chung.
     Quê hương của cụ Phan Bội Châu cũng là quê hương của những điệu ví, dặm thiết tha yêu quê hương, đất nước.
     Gia đình Phan Văn San đã mấy đời “Lấy nghiên làm ruộng, lấy bút làm cày “ tức là lấy nghề dạy học chữ Nho để kiếm sống, nên đời sống có phần khó khăn. Thân phụ của Phan Văn San là ông Phan Văn Phổ – một thầy đồ hay chữ; thân mẫu là bà Nguyễn Thị Nhàn – người mẹ hiền thục, chịu khó, chịu thương. Cả hai đều quan tâm đến việc học hành, nuôi dạy các con.
     Từ nhỏ, Phan Văn San đã nổi tiếng thông minh và chăm học. Bà con xứ Nghệ cho đến nay vẫn truyền lại nhiều mẫu truyện ca ngợi tài học, tài làm thơ và lẩy Kiều của Phan Văn San.
     Mới 4 tuổi Phan Văn San đã thuộc lòng nhiều bài thơ chữ Hán trong Kinh Thi do mẹ truyền miệng. Lên 5 tuổi đã học xong sách Tam tự kinh. Năm lên 7 tuổi đã đọc thông kinh truyện. Lúc 8 tuổi đã biết viết những bài văn ngắn và mấy lần đi thi hạch ở làng, ở phủ, huyện đều đỗ đầu. Phan Văn San nổi tiếng trong nghề văn cử.
     Phan Văn San là người con chí hiếu. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo. Phan Văn San đã sớm biết chia xẻ cùng cha mẹ, không bao giờ đòi hỏi, yêu sách cho riêng mình. Năm 1894 thân mẫu qua đời, cha già, bệnh tật, hai đứa em còn nhỏ dại, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu. Phan Văn San phải đi kiếm sống bằng nghề dạy học. Số tiền ít ỏi có được, thầy dùng để nuôi gia đình và giúp các nghĩa sĩ của phong trào Cần Vương.
     Không những là một thanh niên học giỏi, có hiếu, thầy giáo San còn là một người rất gần gũi với cuộc sống của nhân dân lao động. nhưng điểm đặc sắc nhất ở Phan Văn San là sớm có tinh thần yêu nước, chống Pháp.
     Phan Bội Châu viết trong Phan Bội Châu niên biểu: “Lúc tôi sinh ra là lúc Nam Kỳ đã thất thủ 5 năm. Tiếng khóc oa oa chào đời như báo trước cho tôi rằng: Mày sẽ là một người dân mất nước”. Lớn lên, Người đã chứng kiến từng ngày tội ác, sự tàn bạo của bọn đế quốc, phong kiến, nỗi thống khổ của nhân dân ta. Phan Bội Châu đã khai tâm bằng bài học đầu tiên của tiền nhân là biết căm thù giặc và biết lấy lòng yêu nước làm ranh giới để phân biệt bạn thù.Ý thức về nghĩa vụ của người dân mất nước trỗi dậy sớm trong Phan Văn San. Mới 9 tuổi nghe tin Trần Tấn, Đỗ Mai ở Nghệ An, Lê An ở Hà Tĩnh khởi nghĩa chống Pháp, Phan Văn San đã tụ tập các bạn nhỏ lấy ống tre làm súng, hạt vải làm đạn chơi trò đánh Tây.
     II/ Sự nghiệp.
      1/ Hoạt động cứu nước.
     Thời kì trước 1900.
     Vào những năm cuối thế kỉ XIX, Phan Bội Châu vừa làm thầy đồ dạy học để nuôi cha già, vừa đọc thêm sách, báo như: Thiên hạ đại thế luân của Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ… các loại “tân thư”, “tân báo” từ Trung Quốc truyền sang và còn ngấm ngầm nghiên cứu các binh thư, binh pháp thời xưa. Thời gian này thực dân Pháp đẩy mạnh việc hoàn thành xâm lược nước ta: Pháp đánh chiếm Bắc Kì. Hà Nội thất thủ. Hoàng Diệu tuẩn tiết. Được tin ở Bắc Kì “nghĩa quân nổi dậy như ong”, Phan Văn San lòng tràn đầy máu nóng, hăm hở muốn ra quân. Không ngủ được, nửa đêm khêu đèn khảo bài hịch “Bình Tây thu Bắc” kêu gọi mọi người tiêu diệt giặc Pháp lấy lại đất Bắc. Viết xong bí mật đem dán ở gốc cây to đầu làng mong thu phục nhân tâm.
     Năm Phan Văn San 18 tuổi (1885) cuộc phản công ở kinh thành Huế thất thủ, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, thân hào Nghệ Tĩnh nổi lên khắp nơi. Phan Văn San tổ chức đội “thí sinh quân” gồm 60 người để ứng nghĩa nhưng chưa kịp hành động đã bị tan rã do Pháp tràn tới và tảo thanh. Cùng với những hoạt động trên Phan Văn San đã mở rộng giao du, tìm người đồng tâm, đồng chí, bí mật liên lạc với các thủ lĩnh Cần Vương. Người đã sớm gây được ảnh hưởng, chiếm được lòng tin của tầng lớp sĩ phu và cả đông đảo quần chúng nhân dân.
     Thời kì từ 1900 – 1925.
     Ngay từ nhỏ,khi xã hội phong kiến đã lộ rõ mục nát, tiêu cực xã hội len vào học đường, Phan Văn San coi khinh bằng cấp, xem thường khoa bảng. Người cho rằng lập thân bằng con đường văn chương là xoàng nhất. Nhưng Người đã quyết tâm học hành, thi đỗ để có “cái hư danh” mà giúp dân giúp nước.
     Năm 1900 Phan Văn San từ Huế về Nghệ An lấy tên mới là Phan Bội Châu dự kì thi hương và đã đổ thủ khoa trường Nghệ. Cùng năm này, thân phụ Người qua đời. Các em vừa khôn lớn, Phan Bội Châu hăng hái dấn mình trên con đường hiến thân cho độc lập dân tộc.
     Năm 1901 Phan Bội Châu chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Theo Phan Bội Châu thì “nợ máu chỉ có thể trả bằng máu”, “dân đã không còn thì chủ đâu mà có”. Cho nên phải dùng vũ lực giành lại độc lập rồi mới nói đến dân chủ, đến việc làm cho dân giàu nước mạnh. Con đường cứu nước mà Phan Bội Châu lựa chọn là con đường bạo động, đấu tranh vũ trang chống “thua keo này, bày keo khác”.
     Ngày 14-7-1901 nhân ngày lễ chính trung, Phan Bội Châu chủ trương đánh úp thành Nghệ An nhưng bị lộ. Từ đó Phan Bội Châu từ giã quê hương ra Bắc, vào Nam đi tìm đồng chí. Phan Bội Châu mượn cớ đi xem khánh thành cầu Long Biên để lên căn cứ địa Phồn Xương gặp Hoàng Hoa Thám – Người lãnh đạo phong trào nông dân Yên Thế. Phan Bội Châu còn lấy cớ vào Huế học Quốc tử giám để vào miền Trung rồi vào tận Nam Kỳ tìm những chiến sĩ Cần Vương còn sót lại.
     Năm 1904 Phan Bội Châu mở hội nghị toàn quốc để thành lập hội kín, sau đổi là Duy Tân hội, do Kỳ ngoại hầu Cường Để – cháu hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) làm minh chủ. Tham gia vào hội còn có cô Nguyễn Thị Thanh – chị ruột Bác Hồ. Hội chủ trương dùng vũ trang bạo động và nhờ ngoại viện để đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam lập ra chính phủ độc lập.
     Đầu năm 1905 theo kế hoạch của Hội Duy tân, Phan Bội Châu đã xuất dương sang Nhật, nhờ Nhật giúp đỡ để đánh Pháp.Vì theo cụ, Nhật Bản với ta là nước “đồng văn” “đồng chủng”. Nhật lại vừa chiến thắng Nga hoàng trong chiến tranh 1904 – 1905, tiếng tăm lừng lẫy. Được Nhật nhận lời giúp du học sinh Việt Nam học tập, Phan Bội Châu về nước đã xốc lên một phong trào Đông Du hết sức sôi nổi (1905 – 1908). Thông qua sách báo, thơ văn cụ đã vận động được gần 200 lưu học sinh Việt Nam sang Nhật rồi kêu gọi đồng bào “kết đoàn thể, liên tính tình, hợp mưu trí, góp của cải” để ủng hộ lưu học sinh và đánh đuổi thực dân Pháp.
     Do ảnh hưởng của Phan Bội Châu và Duy tân hội cùng với sự nở rộ của phong trào Đông du, Việt Nam đã có trường Đông kinh nghĩa thục. Nhiều thương hội, học hội được tổ chức ở các tỉnh. Rồi phong trào chống thuế ở Trung kỳ. Việc mưu đánh úp Hà Tĩnh, đầu độc lính Pháp ở Hà Nội cứ liên tục diễn ra. Pháp tìm mọi cách để đối phó.
     Tháng 3-1909, Pháp – Nhật câu kết với nhau, tổ chức Đông du bị giải tán, Phan Bội Châu bị chính phủ Nhật trục xuất phải ẩn náu tại Trung Quốc.
     Tháng 10-1910, Phan Bội Châu sang Xiêm lập trại cày ở Bạn Thầm gồm 50 học sinh để “gieo hạt giống cách mạng ở nơi non xanh nước biếc”.
     Tháng 1-1912, Phan Bội Châu từ Xiêm về Trung Quốc, chủ trương giải tán Duy tân hội, thành lập Việt Nam Qung Phục Hội (6-1912), bao gồm 100 hội viên. Mục đích của Hội là đánh đuổi Thực dân Pháp thành lập Cộng hòa Dân quốc Việt Nam, tức là hoạt động chống Pháp theo con đường dân chủ tư sản.
     Tháng 8-1912, Phan Bội Châu lại thành lập hội “Chấn hưng Hoa Á” để hỗ trợ cho Việt Nam Quang Phục Hội. Sau khi bố trí giết Toàn quyền Đông Dương và một số tên tay sai Pháp không thành, Phan Bội Châu bị bắt và bị cầm tù 1914 – 1916 tại nhà ngục ở núi Quang âm, thuộc thành phố Quảng châu (Trung Quốc). Sau khi ra tù Phan Bội Châu vẫn sống ở Trung Quốc nhưng cụ tìm mọi cách để liên lạc với các thân sĩ yêu nước.
     Năm 1917, chiến tranh thế giới sắp kết thúc, Cách mạng tháng Mười Nga thành công, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sôi nổi khắp thế giới đã tác động đến Phan Bội Châu. Phan Bội Châu tìm hiểu cách mạng tháng Mười, viết sách báo ca ngợi Lê Nin vĩ đại, ca ngợi Nhà nước công nông ở Liên Xô và tiếp tục tìm đường cứu nước.
     Giữa năm 1924, phỏng theo Trung Hoa Quốc dân đảng của Tôn Trung Sơn, Phan Bội Châu đã cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc dân đảng. Đến tháng 12-1924, sau khi tiếp xúc và được sự góp ý của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu dự định sẽ cải tổ Việt Nam Quốc dân đảng theo khuynh hướng tiến bộ nhất, nhưng chưa kịp thực hiện.
     Tháng 6-1925, Phan Bội Châu bị Thực dân Pháp bố trí bắt cóc tại Thượng Hải (Trung Quốc), bị giải về giam tại Hỏa Lò (Hà Nội) với tên là Trần Văn Đức. Chúng định tử hình cụ Phan. Nhân dân đã nổi lên đòi ân xá cho cụ. Toàn quyền Varen phải chịu. chúng đưa cụ về giam lỏng ở Huế từ 24-12-1925.
     Thời kì từ 1926 – 1940.
     Từ năm 1926, phong trào cách mạng theo đà phát triển mới. Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời năm 1930. Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào Mặt trận dân chủ, Mặt trận phản đế liên tiếp nổ ra dưới sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân. Trong khi đó, cụ Phan Bội Châu – “ông già Bến Ngự” sống những ngày cuối cùng của đời mình dưới sự quản thúc của Pháp trong cảnh “cá chậu chim lồng”. Thời kỳ sôi nổi của tuổi thanh niên đã qua đi. Nhưng Phan Bội Châu vẫn cảm hóa được anh em, bạn bè xa gần và ngòi bút của cụ vẫn tiếp tục là vũ khí tuyên truyền vận động cách mạng đầy nhiệt huyết.
     Ngày 29-10-1940 cụ Phan Bội Châu đã trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt nhân dân ta. Trước lúc ra đi cụ đã gửi gắm tất cả niềm tin và hy vọng vào cách mạng Việt Nam. Cụ hy vọng ở nam nữ thanh niên là lực lượng nồng cốt nhất của cách mạng. Và cụ “chúc phường hậu tử tiến mau”.
     2/Sáng tác thơ văn.
     Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu luôn dùng văn chương làm vũ khí đấu tranh. Nhà chính trị và nhà văn trong con người Phan Bội Châu là một. Phan Bội Châu viết rất nhiều thể loại bằng chữ Hán, chữ Nôm. Thơ, văn đã đi cùng với cụ Phan trong suốt cuộc đời hoạt động. Thơ, văn Phan Bội Châu là những lời tâm huyết chứa chan lòng yêu nước, đồng thời là vũ khí tuyên truyền cách mạng.
     Trước ngày xuất dương, ngoài phần văn thơ cử tử, Phan Bội Châu đã viết những bài cổ động tinh thần yêu nước chống Pháp: Hịch Bình Tây thu Bắc (1883), Song tuất lục (1886), Lưu Cầu huyết lệ tâm thư (1903) … Riêng bài Lưu Cầu huyết lệ tâm thư đương thời đã làm cho nhiều sĩ phu có tâm huyết biết tiếng cụ Phan Bội Châu và sau đó trở nên những người cộng sự.
     Từ khi ra nước ngoài, ngòi bút của Phan Bội Châu được tung hoành thoải mái hơn. Một số tác phẩm viết vào thời gian này chủ yếu bằng chữ Hán như: Việt Nam vong quốc sử (1905), Hải ngoại huyết thư (1906), Khuyến quốc dân tư trợ du học văn (1905), Việt Nam quốc sử khảo (1908)… đã được bí mật đưa về trong nước, khích lệ nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên trí thức đi vào con đường cách mạng. Có tác phẩm đã làm cho nhiều chính khách Nhật Bản, Trung Hoa biết tiếng và khâm phục. Loại văn thơ này đã giúp đắc lực cho hoạt động ngoại giao của Phan Bội Châu. Cũng thời gian này Phan Bội Châu đã viết rất nhiều về tiểu sử các liệt sĩ như: Kỉ niệm lục (1907) viết về Tăng Bạt Hổ và Vương Thúc Quí; Sùng Bái Giai Nhân (1907) ghi lại cuộc đấu tranh của những anh hùng nhân dân như Cao Thắng và Quán Báo; Hà Thành liệt sĩ truyện (1913) viết lại gương hy sinh của các liệt sĩ trong vụ đầu độc lính Pháp tại Hà Nội; Hoàng Yên Thế tướng quân liệt truyện, chép lại lịch sử đấu tranh của Hoàng Hoa Thám; Phạm Hồng Thái truyện, ghi lại tiểu sử liệt sĩ Phạm Hồng Thái hy sinh năm 1924 trong vụ ném bom giết Toàn quyền Đông dương Mec1lanh tại Sa điện. Loại sách này vừa ghi công, vừa để nêu lên cho quốc dân những tấm gương dũng cảm, sự hy sinh bất khuất của các liệt sĩ. Ngoài công việc viết sách, lúc này cụ Phan còn viết rất nhiều bài cho các báo ở Trung Quốc, Nhật Bản, đã ghi lại một phần tư tưởng, tình cảm tốt đẹp và các bước chuyển biến trong đường lối đấu tranh cách mạng của nhà chí sĩ.
     Từ 1925 – 1940, mặc dầu bị Thực dân Pháp kìm kẹp, cách ly khỏi cách mạng, song Phan Bội Châu vẫn cố gắng làm người tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước. Thơ, văn của Cụ vẫn tiếp tục nói nhiều đến nỗi khổ nhục của người dân mất nước, trách nhiệm của người dân mất nước, như các tác phẩm: Nam nữ quốc dân tu tri (1929), Thuốc chữa dân nghèo, Lời hỏi thanh niên, Luân lí vấn đáp, Lịch sử Việt Nam diễn ca… Đạc biệt là tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu, Cụ viết trước khi qua đời. Người đã chép lại lịch sử hoạt động của mình thời thanh niên đến năm 1925, nhằm giải bày tâm sự và để lại kinh nghiệm cho đời sau. Các tác phẩm trên ra đời cùng với hơn 800 bài thơ Nôm các loại và hàng chục bài phú, văn tế, tạp văn khác là những di sản cuối đời của cụ dành cho hậu thế.
     Cuộc đời cách mạng của Phan Bội Châu gắn với một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc ta. Tên tuổi Phan Bội Châu mãi mãi được lưu truyền trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Giải pháp cách mạng của Cụ không đi đến thắng lợi nhưng Phan Bội châu đã tạo nên ở Việt Nam mảnh đất tốt để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gieo trồng hạt giống chủ nghĩa Mác – Lênin và cung cấp cho cách mạng nước ta bài học kinh nghiệm quí báu để giành thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
     Cuộc đời hy sinh vì dân, vì nước của Phan Bội Châu là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của Trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu. Mọi thành viên trong trường có bổn phận không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, làm tốt nhiệm vụ dạy và học để tỏ lòng thành kính đối với nhà chí sĩ Việt Nam yêu nước mà trường vinh dự được mang tên